Theo quan niệm dân gian từ ngàn xưa thì các loại thuốc Y học cổ truyền đều an toàn, không có độc vì chúng đều có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, quan niệm này không hoàn toàn là đúng, bởi thuốc Đông y cũng có thể gây hại nếu không biết dùng đúng cách. Vậy chúng ta cùng Đông Nam Dược Hoàng Anh tìm hiểu thuốc Y học cổ truyền trong điều trị bệnh phụ khoa nhé.
Nội dung chính
Thuốc y học cổ truyền – 10 vị thuốc điều trị bệnh phụ khoa
1. Đại cương
1.1. Đặc điểm nguyên nhân gây bệnh trong phụ khoa
Nguyên nhân sinh bệnh đối với phụ khoa cũng giống như nội khoa là do ngoại nhân, nội nhân và bất nội ngoại nhân nhưng khi vận dụng vào bệnh phụ khoa cần chú ý những đặc điểm sau.
1.1.1. Nguyên nhân bên ngoài (Ngoại nhân)
Chủ yếu do hàn, nhiệt và thấp: nhiệt thì làm cho huyết lưu thông nhanh, gặp hàn thì ngưng trệ. Nhiệt nhiều quá làm huyết đi sai đường gây chứng băng lậu. Hàn nhiều quá làm huyết ngưng trệ không lưu thông gây thống kinh, bế kinh, trưng hà. Thấp nhiều quá thường gây bệnh đới hạ.
1.1.2. Nguyên nhân bên trong (Nội nhân)
Thất tình liên quan đến 5 tạng, ảnh hưởng đến khí huyết. Các bệnh phụ khoa phần nhiều là bệnh ở huyết. Khí là chủ thể của huyết, huyết nhờ khí để vận hành, hai mặt này liên quan chặt chẽ với nhau. Khi thất tình kích thích phần nhiều làm hại khí, khí không điều hoà thì huyết không điều hoà, mọi bệnh từ đó sinh ra.
1.1.3. Nguyên nhân khác (Bất nội ngoại nhân)
Ham việc buồng the là một nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh phụ nữ. Vì mỗi lần giao cấu khí huyết bị phát động tối đa, gây tổn hại đến mạch xung – nhâm, can và thận bị hư yếu, tinh huyết bị tiêu hao, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến kinh đới, thai sản.
Sách Nội kinh có ghi: “Bệnh huyết khô là vì lúc tuổi trẻ mất huyết quá nhiều hoặc ăn nhậu say sưa rồi hành phòng làm cho khí kiệt, can huyết tổn thương cho nên kinh nguyệt mất nguồn mà không hành”.
Sách Chư bệnh nguyên hậu luận có ghi: “Đang lúc hành kinh mà giao hợp thì mạch máu bị co lại không ra kinh. Huyết kinh bế lại gây nên chậm kinh, bế kinh”.
Vì vậy mà Chu Đan Khê chủ trương hạn chế tình dục để phòng bệnh.
1.2. Cơ chế gây bệnh phụ khoa
1.2.1. Khí huyết không điều hoà
Bệnh phụ khoa liên quan chặt chẽ đến huyết. Các bệnh kinh, đới, thai sản đều liên quan mật thiết với huyết, huyết luôn phối hợp với khí. Sự thăng, giáng, hàn, nhiệt, hư, thực của huyết đều do khí. Cho nên khí nhiệt thì huyết nhiệt mà sắc đen, khí hàn thì huyết hàn mà sắc xanh, khí thăng thì huyết nghịch mà xuất ra ngoài (xuất huyết), khí hãm xuống thì huyết đi xuống gây băng huyết.
Vì vậy nguyên nhân nào ảnh hưởng đến khí huyết đều làm cho khí huyết không điều hoà, gây các bệnh về kinh, đới, thai, sản.
1.2.2. Ngũ tạng không điều hoà
Phụ nữ lấy huyết làm căn bản, mà nguồn sinh huyết là tỳ, thống soái chỉ huy huyết là tâm, tàng trữ huyết là can, phân bố huyết nhờ phế, nuôi dưỡng huyết do thận để nhuận tới khắp toàn thân. Nếu tâm khí suy yếu, huyết dịch không đầy đủ thì dễ sinh kinh nguyệt không đều, khó có con. Nếu can khí uất kết thì huyết không trở về can gây chu kỳ kinh không đều, băng lậu.
Nếu tỳ hư làm huyết hư hoặc khí hư hạ hãm gây nên rong kinh, rong huyết, đới hạ, bế kinh. Nếu phế khí hư không vận tống được huyết làm huyết khô, dịch tiêu hao; hoặc phế khí động dưới sườn gây chứng thở dốc, đau ngực (tức bôn). Nếu thận hư tổn gây chứng băng lậu, vô sinh, đẻ non.
Bất kỳ nguyên nhân nào ảnh hưởng đến công năng của 5 tạng đều có thể làm khí huyết không điều hoà và gây nên các chứng bệnh của phụ khoa.
1.2.3. Mạch xung – nhâm tổn thương
Hai mạch xung và nhâm có quan hệ mật thiết đến sinh lý và bệnh lý của phụ nữ. Hai mạch này phải tiếp nhận khí huyết, chất dinh dưỡng của 5 tạng mới phát huy được tác dụng. Phụ nữ mà khí huyết được điều hoà, 5 tạng được yên ổn thì mạch xung tràn đầy, mạch nhâm thông lợi. Khi có nhân tố ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến mạch xung – nhâm đều có thể gây nên bệnh phụ khoa.
1.3. Pháp điều trị chủ yếu
Phụ khoa cũng như các khoa khác, trước tiên phải nắm vững các nguyên tắc cơ bản (trị bệnh phải tìm gốc bệnh để trị). Đó là phép biện chứng luận trị mà người thầy thuốc cần nắm vững để đề ra phương thức trị liệu cho thật hợp lý. Tuy nhiên do người phụ nữ có quan hệ sinh lý và tổn thương đến phần huyết, thường ảnh hưởng đến chức năng của tâm, tỳ, can, thận, dẫn tới tổn thương 2 mạch xung – nhâm mà sinh ra bệnh thuộc kinh, đới, thai, sản. Vì vậy cần chú ý đến đặc điểm sinh lý và bệnh lý của nhiều giai đoạn khác nhau để điều hoà khí huyết, điều hoà tỳ vị, sơ can khí và dưỡng can thận.
Pháp điều trị chủ yếu bao gồm:
1.3.1. Điều hoà khí huyết
Bệnh phụ khoa liên quan chặt chẽ với bệnh của khí huyết, huyết thường bất túc khí thường hữu dư. Bất cứ nguyên nhân gì ảnh hưởng đến khí huyết đều có thể làm rối loạn khí huyết và gây nên bệnh.
Vì vậy trước tiên phải điều hoà khí huyết. Nếu khí nghịch thì phải giáng khí, khí uất thì phải khai uất hành khí, khí loạn thì phải điều khí lý khí, khí hàn thì phải ôn dương để trợ khí, khí nhiệt thì phải thanh khí tiết nhiệt, khí hư hạ hãm thì phải thăng dương ích khí, đồng thời phải trợ thêm thuốc hoà huyết, bổ huyết. Nếu huyết hàn nên ôn, huyết nhiệt nên thanh, huyết hư nên bổ, huyết trệ nên thông, đồng thời phải trợ thêm thuốc hành khí bổ khí.
Điều hòa khí huyết bao gồm các pháp điều trị sau:
– Bổ ích khí huyết.
+ Bổ khí.
+ Bổ huyết.
– Khí huyết song bổ.
– Hoạt huyết hóa ứ.
– Lý khí hành trệ.
1.3.2. Điều hoà tỳ vị
Tỳ vị là gốc của hậu thiên, là gốc của quá trình sinh hoá. Nếu tỳ vị bị rối loạn, nguồn sinh hoá bị yếu đi thì dễ gây bệnh về kinh nguyệt, thai sản. Trong trường hợp đó nếu điều hoà được tỳ vị thì sẽ khỏi bệnh.
Trong phương pháp điều hoà cũng phải căn cứ vào bệnh tình khác nhau như hư thì bổ, tích thì tiêu, hàn thì ôn, nhiệt thì thanh. Đặc biệt đối với phụ nữ đã hết kinh thì thận khí suy nhược, khí huyết đều hư nên cần nhờ vào thuỷ cốc của hậu thiên, khi ấy nên bổ tỳ vị để bổ gốc sinh hoá của nó.
Điều hòa khí huyết bao gồm các pháp điều trị sau:
– Kiện tỳ ích khí
– Hòa vị giáng nghịch
– Kiện tỳ trừ thấp
1.3.3. Dưỡng can, sơ can khí
Can chủ về tàng huyết, tính của nó thích sơ tiết, điều đạt. Khi can khí bình hoà thì huyết mạch lưu thông, huyết hải định tịnh. Khi can khí bị uất, mất chức năng điều đạt sẽ gây ảnh hưởng đến kinh, đới, thai, sản (nhất là phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh hay gặp chứng trạng này). Vì vậy trong điều trị cần sơ đạt can khí là chính.
Điều hòa khí huyết bao gồm các pháp điều trị sau:
+ Tư âm dưỡng can
+ Bình can tiềm dương
+ Dưỡng huyết nhu can
+ Sơ can lý khí
1.3.4. Bổ thận
Thận là gốc của thiên nhiên lại chủ về tàng tinh khí, do đó nó là động lực phát dục và sinh trưởng của cơ thể. Người phụ nữ có sinh khí sung túc, kế đó là mạch nhâm – mạch xung thông thịnh mới có khả năng có kinh và có thai. Ngược lại khi thận tiên thiên bất túc thì có thể sinh ra bệnh tật. Vì thế bổ thận khí cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng trên phương diện trị bệnh phụ khoa. Ngoài ra can lại là con của thận (thuỷ sinh mộc) lại nhờ thận thuỷ để tu dưỡng. Nếu thận âm bất túc dễ làm can dương vượng lên mà sinh ra bệnh. Khi đó nên tư dưỡng can thận để trị bệnh.
Can và thận là gốc của xung – nhâm, khi can thận hư sẽ làm tổn thương đến xung – nhâm; ngược lại khi mạch xung – nhâm bị tổn thương cũng làm ảnh hưởng đến tạng can và tạng thận. Trên lâm sàng các chứng như bế kinh, băng lậu, đới hạ, động thai phần lớn là do can thận suy nhược, xung – nhâm tổn thương mà gây ra. Dưỡng can thận chính là bổ ích xung – nhâm, nguồn gốc thịnh thì lưu lợi thông thương nhờ đó mà khỏi bệnh.
– Tư bổ thận âm
– Ôn bổ thận dương:
– Bổ ích thận khí
– Âm dương song bổ
2. 10 vị thuốc y học cổ truyền dùng trong phụ khoa và phương thuốc thường dùng
2.1. Tư thận, bổ thận
2.1.1. Tư bổ thận âm
– thích hợp với chứng thận âm bất túc gây ra bệnh phụ khoa.
– Thuốc thường dùng như tang thầm, câu kỷ tử, thục địa, hoàng tinh, a giao, sơn thù nhục, nữ trinh tử, quy bản, miết giáp, hà thủ ô.
– Phương thuốc đại biểu là lục vị địa hoàng hoàn, tả quy ẩm, tả quy hoàn, nhị thất hoàn.
– Một số kết quả nghiên cứu vị thuốc quy bản và A giao trong điều trị bệnh phụ khoa:
+ Quy bản
Trị đàn bà kinh ra quá nhiều. Quy bản (tẩm dấm nướng hoặc nấu cao), Hoàng cầm, Bạch thược, Thung căn bì, Hoàng bá. Tán bột, trộn với mật làm viên, uống với nước dấm pha nhạt (Quy Bản Hoàn – Thẩm Thị Tôn Sinh Thư )
Trị kinh nguyệt kéo dài, rong kinh, âm hư huyết nhiệt: Quy bản, Hoàng cầm, Bạch thược đều 40g, Hoàng bá 12g, Chế hương phụ 10g. Tán bột, làm hoàn. Mỗi lần uống 10 – 15g, ngày 3 lần (Cố Kinh Hoàn – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ A giao
A giao và lộc giác giao là những vị thuốc đại bổ, rất có liên hệ với huyết. Cả 2 đều có tác dụng tư âm, dưỡng huyết, chỉ huyết. Nhưng a giao vị ngọt, tính bình thiên về bổ huyết, chỉ huyết, kiêm tư phế, an thai, cầm huyết hư ra nhiều. Còn lộc giác giao vị ngọt, mặn, tính ấm, thiên về ôn bổ can, thận, cố tinh. Phần hỏa suy nhiều phải dùng Lộc giác giao” (Trung Dược Lâm Sàng Giám Dụng Chỉ Mê).
Thục địa và A giao có tác dụng tư âm, bổ huyết nhưng Thục địa thiên về bổ Thận âm, trấn tinh tủy mà bổ huyết còn A giao thiên về nhuận phế, dưỡng can, bổ huyết mà tư âm, chỉ huyết. Hễ âm hư, bất túc thì hư hỏa bốc lên gây ra hư phiền, mất ngủ, thai động không yên, dễ bị xẩy thai thì dùng bài Tứ Vật Thang Gia Vị điều trị, 19 trường hợp dọa xẩy thai đạt kết quả tốt. Bài thuốc dùng: A giao, ngải diệp, bạch thược, đương quy, cam thảo, xuyên khung, thục địa (tức là bài Tứ Vật Thang thêm a giao, cam thảo, ngải diệp) thường hay được dùng trong điều trị bệnh lý thai sản, tùy chứng mà gia giảm thêm (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).
– Một số nghiên cứu về phương thuốc đại biểu lục vị địa hoàng hoàn:
Thục địa | 12g | Sơn thù | 10g | Trạch tả | 20g |
Hoài sơn | 12g | Phục linh | 10g | Đơn bì | 08g |
Bài thuốc sắc uống ngày 01 thang, uống sáng chiều
+ Tác dụng: Tư bổ can thận.
Thục địa tư thận dưỡng tinh là chủ dược. Sơn thù dưỡng can sáp tinh. Sơn dược bổ tỳ cố tinh. Trạch tả thanh tả thận hỏa giảm bớt tính nê trệ của thục địa. Đơn bì thanh can hỏa giảm bớt tính ôn của sơn thù. Bạch linh kiện tỳ trừ thấp giúp hoài sơn kiện tỳ.
Sáu vị thuốc hợp lại vừa bổ vừa tả giúp cho tác dụng bổ tốt hơn là một bài thuốc chủ yếu tư bổ Can thận.
+ Gia giảm:
Nếu âm hư mà hỏa vượng mạnh, thì gia tri mẫu, huyền sâm, hoàng bá để tăng thêm sức thanh nhiệt, giáng hỏa. Nếu có tỳ hư khí trệ, thì gia bạch truật, sa nhân, trần bì.
+ Ứng dụng lâm sàng: điều tri nữ giới thì kinh ít hoặc bế kinh, rong huyết thể can thận âm hư.
2.1.2. Ôn bổ thận dương
– Thích hợp với chứng thận dương bất túc mà gây ra bệnh phụ khoa.
– Thuốc thường dùng là tử thạch, tử hà sa, lộc nhung, nhyục quế, phụ tử chế, tiên linh bì, tiên mao, bá kích, nhục thung dung.
– Phương thuốc đại biểu: Hữu quy ẩm, hữu quy hoàn, thận khí hoàn.
2.1.3. Bổ ích thận khí
– Thích hợp với chứng thận tinh hư tổn không thể sinh khí, thận khí hư dẫn đến bệnh phụ khoa.
– Có thể dựa vào các thuốc và phương thuốc bổ thận âm, ôn bổ thận dương ở trên để điều trị.
– Phương thuốc đại biểu: thọ thai hoàn, quy thận hoàn, bổ thận cố xung hoàn.
2.1.4. Âm dương song bổ
– Thích hợp với thận âm dương lưỡng hư gây ra bệnh phụ khoa
– Phương thuốc đại biểu: nhị tiên thang, quy lộc nhị tiên giao.
2.2. Dưỡng can, sơ can
2.2.1. Tư âm dưỡng can
– Thích hợp với doanh huyết hư âm dịch hao tổn, can âm bất túc gây ra bệnh phụ khoa.
– Thuốc thường dùng: nữ trinh tử, câu kỷ tử, tang thầm tử, hạn liên thảo, quy bản, miết giáp.
– Phương thuốc đại biểu: nhị thất hoàn, nhất quán tiễn.
2.2.2. Bình can tiềm dương
– Thích hợp với chứng âm hư dương xung,can hỏa thượng nhiễu gây ra bệnh phụ khoa.
– Thuốcthường dùng là linh dương giác, chân trâu mẫu, mẫu lệ, thạch quyết minh, câu đằng, thiên ma, cúc hoa, cương tàm, bạch tật lê, tang diệp.
– Phương thuốc đại biểu: linh dương giác câu đằng thang, trấn can tức phong thang, thiên ma câu đằng ẩm.
2.2.3. Dưỡng huyết nhu can
– Thích hợp với chứng can huyết hư, xung nhâm thất dưỡng, gây ra bệnh phụ khoa.
– Thuốc thường dùng: đương quy, thục địa, hà thủ ô, bạch thược, a giao..
– Phương thuốc đại biểu: tứ vật thang, giao ngải thang, dưỡng tinh chủng ngọc thang.
2.2.4. Sơ can lý khí
– Thích hợp với chứng can khí uất khí cơ không điều đạt, xung nhâm thất điều gây ra bệnh phụ khoa.
– Thuốc thường dùng: sài hồ, hương phụ, uất kim, xuyên luyện tử, thanh bì, phật thủ, quất hạch.
– Phương thuốc đại biểu: tiêu giao tán, sài hồ sơ can tán, khai uất chủng ngọc thang.
Nếu can uất hóa hỏa mà dùng các phương thuốc trên thì gia thêm các thuốc thanh can tiết nhiệt như chi tử, đan bì, hoàng cầm hạ khô thảo, xích thược, quyết minh tử; phương thuốc đại biểu là đan chi tiêu giao tán, tuyên uất thông kinh thang. Nếu can mộc khắc tỳ thổ, tỳ mất kiện vận, thấp nhiệt tương kết hạ trú, thì sử dụng các phương thuốc thanh can tiết nhiệt như trên gia thêm các thuốc như nhân trân, long đởm thảo, hoàng bá, thổ phục linh, xa tiền tử, lô hội, ngư tinh thảo. Phương thuốc đại biểu là long đởm tả can thang, Đương quy lô hội hoàn.
2.3. Kiện tỳ hòa vị
2.3.1. Kiện tỳ ích khí
– Thích hợp với chứng tỳ hư, huyết hư, tỳ không thống nhiếp huyết, trung khí hạ hãm gây bệnh phụ khoa.
– Thuốc thường dùng: nhân sâm, đảng sâm, thái tử sâm, bạch truật, phục linh, sơn dược, cam thảo, đại táo.
– Phương thuốc đại biểu: sâm linh bạch truât tán, tứ quân tử thang, quy tỳ thang, bổ trung ích khí thang.
Xem thêm sản phẩm: Kiện tỳ ích nhi
2.3.2. Hòa vị giáng nghịch
– Thích hợp với chứng vị mất hòa giáng gây ra bệnh phụ khoa.
– Thuốc thtường dùng: bán hạ chế, trần bì, sa nhân, phật thủ, toàn phúc hoa, thần khúc.
– Phương thuốc đại biểu: hương sa lục quân tử thang, toàn phúc đại giả thang.
2.3.3. Kiện tỳ trừ thấp
– Thích hợp với chứng tỳ hư mất kiện vận, thủy thấp đình trệ gây nên bệnh phụ khoa.
– Thuốc thường dùng: Bạch biển đậu, ý dĩ nhân, bạch truật, phục linh, thương truật, trư linh, trạch tả.
– Phương thuốc đại biểu: hoàn đới thang.
2.4. Bổ ích khí huyết
2.4.1. Bổ khí
– Thích hợp với chứng khí hư gây bệnh phụ khoa.
Thuốc thường dùng: nhân sâm, đảng sâm, hoang kỳ, bạch truật.
– Phương thuốc đại biểu: bổ trung ích khí thang, tứ quân tử thang, cử nguyên tiễn.
2.4.2. Bổ huyết
– Thích hợp với chứng huyết hư gây bệnh phụ khoa.
– Thuốc thường dùng: đương quy, thục địa, bạch thược, hà thủ ô, a giao, long nhãn, kỷ tử.
– Phương thuốc đại biểu: tứ vật thang, đương quy bổ huyết thang
2.4.3. Khí huyết song bổ
– Thích hợp với chứng khí huyết lưỡng hư gây bệnh phụ khoa.
– Thuốc thường dùng là các thuốc bổ khí bổ huyết nêu trên
– Phương thuốc đại biểu: bài bát trân thang, thái sơn bàn thạch tán,
2.5. Hoạt huyết hóa ứ
– Thích hợp với chứng huyết ứ gây ra bệnh phụ khoa, lấy hoạt huyết hóa ứ làm quân, hành khí là sứ.
– Thuốc thường dùng đào nhân, hồng hoa, tam lăng, nga truật, xích thược, sinh bồ hoàng, thổ miết trùng, tô mộc, vương bất lưu hành, trạch lan, ích mẫu thảo, thủy điệt
– Phương thuốc đại biểu: thất tiếu tán, đào hồng tứ vật thang, huyết phủ trục ứ thang, đại hoàng giá trùng hoàn.
2.6. Lý khí hành trệ
– Thích hợp với chứng khí trệ trong bệnh phụ khoa, hành khí là chủ thường kết hợp với pháp sơ can hoạt huyết.
– Thuốc thường dùng: hương phụ, chỉ xác, hậu phác, ô dược trầm hương, mộc hương, lệ chi hạch.
– Phương thuốc đại biểu: ô dược tán, kim linh tử tán, hương phụ hoàn.
2.7. Nhuyễn kiên tán kết
– Thích hợp với chứng đàm và ứ tương kết gây ra các chứng u cục trong bệnh phụ khoa, thường phối hợp với pháp hoạt huyết hóa ứ để điều trị.
– Thuốc thường dùng: côn bố, hải tảo, miết giáp, mẫu lệ, hải nhũ thạch.
– Phương thuốc đại biểu: miết giáp tiễn hoàn, quế chi phục linh hoàn.
2.8. Ôn kinh tán hàn
– Thích hợp với chứng huyết hàn gây ra bệnh phụ khoa.
– Thuốc thường dùng nhục quế, quế chi, phụ tử chế, ngải diệp, ngô thù du, can khương, xuyên tiêu, tiểu hồi, tế tân.
– Phương thuốc đại biểu: ngô thù du thang, kim quĩ ôn kinh thang.
2.9. Thanh nhiệt lương huyết
– Thích hợp với chứng huyết nhiệt trong bệnh phụ khoa.
– Thuốc thường dùng sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thtược chi tử, hoàng cầm, hoàng liên, kim ngân hoa, mã xỉ hiện, quán chúng, thủy ngưu giác, bạch mao căn,
– Phương thuốc đại biểu: thanh kinh tán, lưỡng địa thang,
2.10. Sát trùng giải độc
2.10.1. Thanh hóa thấp độc
– Thích hợp với chứng thấp nhiệt, thấp độc gây bệnh phụ khoa (nhiễm trùng viêm cấp tính, khối u và ung thư).
– Thuốc thường dùng kim ngân hoa, liên kiều, ngư tinh thảo, bại tương thảo, bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên, bồ công anh, thổ phục linh, cúc hoa, tử hoa địa đinh.
– Phương thuốc đại biểu chỉ đới phương, ngũ vị tiêu độc ẩm.
2.10.2. Thuốc dùng ngoài
– Thích hợp với chứng trùng roi gây ra bệnh phụ khoa.
– Thuốc thường dùng để sát trùng xà sàng tử, khổ sâm, bách bộ, hùng hoàng, lưu hoàng, bạch phàn.
– Phương thuốc đại biểu: bài xà sàng tử tán sắc nước ngâm rửa phụ khoa hàng ngày. Trên lâm sàng đa số phối hợp với thuốc uống trong giải độc hoạt huyết lợi thấp. Thuốc dùng ngoài hay dùng các phương pháp sau: ngâm rửa âm đạo, thụt rửa âm đạo, thuốc đặt âm đạo, thuốc đặt hậu môn, thuốc bôi ngoài và thụt giữ hậu môn.
3. Kết luận
– Nguyên nhân sinh bệnh đối với phụ khoa cũng giống như nội khoa là do ngoại nhân, nội nhân và bất nội ngoại nhân gây nên.
– Cơ chế bệnh sinh là do khí huyết không điều hòa, ngũ tạng không điều hòa hoặc do tổn thương 2 mạch xung nhâm mà gây nên bệnh.
– Pháp điều trị là điều hòa khí huyết, điều hòa ngũ tạng. Can và thận là gốc của xung – nhâm, khi can thận hư sẽ làm tổn thương đến xung – nhâm; ngược lại khi mạch xung – nhâm bị tổn thương cũng làm ảnh hưởng đến tạng can và tạng thận. Trên lâm sàng các chứng như bế kinh, băng lậu, đới hạ, động thai phần lớn là do can thận suy nhược, xung – nhâm tổn thương mà gây ra. Dưỡng can thận chính là bổ ích xung – nhâm, nguồn gốc thịnh thì lưu lợi thông thương nhờ đó mà khỏi bệnh.
– Trong điều trị bệnh phụ khoa phải căn cứ vào pháp điều trị để chọn thuốc cho hợp lý với từng thể bệnh.
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ để được tư vấn
- Website: Dongnamduochoanganh.com
- Fapage Facebook: Đông Nam Dược Hoàng Anh
- Địa chỉ: 7A Lê Đức Thọ, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
- Hotline: (+84)985.999.506